Nóng chuyện “Thế giới bên kia”: Sống chung với người chết

iLoVeU

Moderator
Không phải đến khi Hà Nội công bố đóng cửa Nghĩa trang Văn Điển vào tháng 7/2010 tới, việc chôn cất, cải táng mồ mả cho người đã khuất trên địa bàn Thủ đô mới trở nên nóng bỏng. Sự gia tăng nhanh chóng về dân số, quỹ đất hạn hẹp, thiếu một quy hoạch tổng thể cho lĩnh vực nhạy cảm này trong nhiều năm, những điều đó đã khiến việc “sống, chết” của một thành phố hơn 6 triệu dân trở thành “chuyện dài nhiều tập”. Dù Hà Nội đang gấp rút cho xây dựng nhiều khu nghĩa trang (trong đó có những nghĩa trang được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á như Yên Kỳ) nhưng trong vài năm tới, những bất cập trên cũng không dễ gì giải quyết. Từ số báo này, GĐ&XH sẽ cung cấp tới độc giả loạt bài về thực trạng nghĩa trang ở Hà Nội, với những câu chuyện có đi mới biết…

Nhiều nơi ở Hà Nội, những người sống phải hằng ngày cận kề với... người đã khuất. Sáng mở cửa ra khỏi nhà gặp mồ mả, tối trở về nhà, đứng trên ban công nhìn ra vẫn lại là nấm mồ. Không ai thích thú gì cảnh này, nhưng thời buổi đô thị hoá, đất quý hơn vàng, cũng chẳng biết làm sao...

Sống trong ám ảnh

Hiện, hàng chục người dân tổ 56 và 57 phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy phải sống chung với những nấm mộ được chôn cất một cách lộn xộn ở nghĩa trang Chùa Hà. Mấy năm trước, nghĩa trang này được quy hoạch gọn gàng trong một khuôn viên nằm ở cuối phố Chùa Hà, có tường bao cao ráo và quy củ. Nhưng vài năm trở lại đây, do quá tải nên quỹ đất dành cho việc chôn cất ngày một “phình” ra ngoài “kế hoạch”, đến mức lấn cả ra đường. Có những ngôi mộ chỉ cách đường ô tô đi lại có vài bước chân. Vài ngôi mộ khác nằm đối diện một nhà hàng lớn. Cũng có những nấm mồ không bia, rồi những bát hương không rõ nguồn gốc nằm lẩn khuất trong bụi chuối cạnh vệ đường. Vì phải di dời mộ từ nghĩa trang Dịch Vọng sang để xây khu chung cư mới nên quỹ đất của nghĩa trang Chùa Hà được “cơi nới” đến mức đột biến. Người dân ở đây đặt tên cho 2 tổ 56 và 57 là “xóm nghĩa địa”. Xóm nghĩa địa xác xơ, phảng phất trong không khí mùi tanh, rờn rợn đến khó chịu. Cái mùi mà theo người dân ở đây nói rằng đã trở thành đặc trưng.

Image

Nghĩa trang Láng Hạ toạ lạc giữa khu dân cư. Ảnh: Chí Cường



Bà Trương Thị Minh Nghĩa, một người dân tổ 57 kể: “Tôi mua nhà ở đây gần 10 năm rồi. 2 năm trước, tận dụng khoảng đất trống trong vườn, dùng để xây nhà cho sinh viên thuê. Hôm đào móng, thợ đào lên được mấy cái tiểu liền”. Đợt ấy, cả nhà bà phát hoảng. Bà Nghĩa nói: “Đêm nào tôi cũng có những giấc mơ linh tinh về ma quỷ”. Đầu óc cũng căng thẳng, sinh ra bệnh đau đầu liên miên. Nghe bà con hàng xóm xui khiến, bà Nghĩa mời thầy cúng về thắp hương khấn vái cho những linh hồn vô danh. Nhưng bà vẫn bị ám ảnh từ ngày ấy đến giờ. Bà cho biết:“ Mới đây chuyện bà Thuận dội chậu nước ra vườn làm trồi lên 3 chiếc hũ sành cũng làm cả xóm giật mình. Nhưng mãi rồi cũng quen, quanh đây cứ nhà ai xây dựng, nhiều khả năng là đào thấy mộ”.

Một con đường đất không biết được hình thành từ bao giờ, ngăn cái nghĩa trang này ra làm đôi để làm lối đi vào xóm. Có những ngôi nhà cả 3 mặt đều giáp những nấm mộ. Một trong những ngôi nhà đó là “mái ấm” của bà Huệ. Đó là mảnh đất được cấp theo diện neo đơn. Hồi đó, diện tích nghĩa trang còn nhỏ, nằm trước nhà, chưa có tường bao quanh. Đến lúc xây tường bao thì xuất hiện hàng trăm ngôi mộ mọc lên phía sau nhà. Đối diện nhà bà Huệ là một mảnh đất rộng, nằm ngay trong nghĩa trang, được dựng “chuồng chim” làm nơi thu mua sắt vụn, ngày ngày rác thải vẫn chất đống. Chưa nói đến chuyện tâm linh thờ cúng nhưng có thể thấy sự mất mỹ quan và thiếu tính quy hoạch ở nghĩa trang này.

Khu đô thị “hàng xóm” với nghĩa trang

Khu đô thị mới Việt Hưng được xây dựng hoành tráng và hiện đại trên địa bàn trước đây là đất nông nghiệp của làng Quán Tình (quận Long Biên). Khu đô thị mới này là “láng giềng” với 2 nghĩa trang. 2 nghĩa trang này chỉ cách nhau chừng nửa cây số và đương nhiên là “công dân” của khu đô thị mới này.

Image

Hộ dân tổ 57 (Dịch Vọng, Cầu Giấy) sống chung với những ngôi mộ.

Image

Nghĩa trang Mỏ Quang (Yên Hoà, Cầu Giấy) còn là nơi tập kết rác thải. Trời mưa, nước từ nghĩa trang này chảy thẳng vào nhà dân.

Image

Hai ngôi mộ ở nghĩa trang Chùa Hà nằm lẩn khuất trong bụi chuối vệ đường. Ảnh: TG



Anh Trần Ngọc H. chủ một căn hộ tại nhà K8 (khu đô thị Vịêt Hưng) cho biết: “Lúc đến liên hệ mua nhà, Ban quản lý hứa sẽ di dời nghĩa trang đi chỗ khác trong thời gian ngắn. Nghe vậy nên chúng tôi mới mua nhà ở đây, ai ngờ đợi mãi không thấy biến chuyển gì...”, anh H nhớ lại với vẻ đầy bức xúc. Vì không chịu được cảnh ngồi trong nhà nhìn ra nghĩa trang, và đặc biệt những ngày rằm, lễ, Tết... hương khói ngoài nghĩa trang lại xộc thẳng lên những ngôi nhà cao tầng nên anh đã rao bán nhà mình trên mạng từ đầu năm.

Nhiều hộ dân nhà P, K khu đô thị Việt Hưng đều có chung tâm lý bức xúc như anh H, trước sự trì trệ của Ban quản lý nhà ở. Chị Đỗ Thị Hương ở dãy nhà P4 giãi bày: “Hiện tại, Quán Tình đã có nghĩa trang mới bên kia đê, nhưng việc di dời những ngôi mộ ở nghĩa trang cũ này thì chưa thấy đâu. Mỗi lần thấy người ta chít khăn trắng, hương khói, đêm đêm sang cát cho người quá cố mà rợn hết cả người”.

Nghĩa trang Mỏ Quang (phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy) đã “hết hạn sử dụng” từ đầu năm 2005, nhưng kế hoạch di dời vẫn được đặt ra từ ngày đó đến tận bây giờ. Nghĩa trang nằm lọt thỏm trong khu dân cư phường Yên Hoà. Người dân ở đây rất bức xúc vì mỗi lần mưa, nước từ khu nghĩa trang lại chảy vào cả nhà dân. Ông Đinh Quang Lâm, “láng giềng” của nghĩa trang than thở: “Sợ nhất là đến mùa mưa. Cả nhà và nghĩa trang ngập trắng nước luôn. Mọi sinh hoạt đều... là cực hình”.

Đến Ciputra nổi tiếng là một khu đô thị lớn và đồng bộ với những ngôi biệt thự đầy đủ tiện nghi cũng là “hàng xóm” của nghĩa trang Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm) rộng mênh mông với hàng ngàn ngôi mộ. Ngay sau khi đi vào sử dụng, nhận thấy sự bất cập và mất mỹ quan nên Ban Quản lý khu đô thị Ciputra đã cho xây hẳn bức tường “hoành tráng” cao chừng 6m, dài hàng trăm mét làm vách ngăn giữa “cõi âm” và những người đang sống. Nhưng thực tế, bức tường dù cao và vững chãi đến mấy cũng chỉ đủ che khuất tầm nhìn của những hộ dân tầng 1, còn âm thanh của những nhà có đám thì đành “bất lực”.

Chủ nhân của những ngôi biệt thự này vẫn ớn lạnh và ngán ngẩm khi phải nghe tiếng khóc than ai oán, kèn, trống... bên nghĩa trang vọng sang. Hiện tại, cây xanh đã được trồng nhiều hơn, hệ thống cấp thoát nước được nâng cấp hiện đại hơn... nhưng mọi cố gắng của chủ đầu tư chỉ dừng ở mức giảm thiểu những ảnh hưởng của nghĩa trang Xuân Đỉnh đến môi trường sống của khu đô thị. “Mở cửa ra hóng gió, trước đây thì đập vào mắt hình ảnh hàng ngàn ngôi mộ như đang bài binh bố trận chực xông vào nhà. Giờ thì bức tường sừng sững trước mặt choán hết cả tầm nhìn”, một hộ dân ở khu đô thị này lắc đầu ngao ngán.

Vấn đề nghĩa trang là “hàng xóm” của các khu chung cư mới không còn xưa cũ, nhưng để giải quyết dứt điểm, xem chừng vẫn là chuyện lâu dài.

Quang Thành
 

sun

Thanh Niên Xóm
ở nghĩa trang có wifi không nhỉ
ra đấy ngồi chém gió thích phải biết :eek:nion-head8::eek:nion-head8:
 
Bên trên