“Bình thường hóa” ở đây không có nghĩa là sự chuyển đổi từ cực này sang cực kia mà đơn giản đó nhu cầu chính đáng từ những người có giới tính không thuộc về số đông: được xã hội tôn trọng sự riêng tư và nhìn nhận một cách hoàn toàn bình đẳng.
Một tác phẩm trong triễn lãm ''Mở" vừa diễn ra tại TP.HCM trong các ngày 27-29/11/2009
Đó là vấn đề được nêu ra tại cuộc Hội thảo về người đồng tính ở Việt Nam do Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) tổ chức trong các ngày 27-29/11/2009. Trong những cuộc hội thảo này, đại biểu và giới truyền thông thường xuyên đã tiếp xúc với Nhóm Kết nối và chia sẻ thông tin vì một hình ảnh tích cực của người đồng tính Việt Nam (ICS). Nhóm này ra đời vào cuối năm 2008, với hạt nhân là lãnh đạo của 4 diễn đàn dành cho người đồng tính (hiện đang hoạt động trên mạng internet). Tổng cộng, số thành viên của các diễn đàn này lên tới vài chục nghìn lượt người. Cũng dễ hiểu khi nhìn con số ấy, bởi theo ước lượng ban đầu, số người đồng tính tại Việt Nam có thể chiếm gần 3% dân số.
"Chơi vơi", tác phẩm tham gia triễn làm Mở
Các thành viên của nhóm ICS đều là sinh viên hoặc người mới tốt nghiệp và đi làm. Anh Lê Quang Bình, Viện trưởng iSEE, cho biết: Việc thuyết phục những người đồng tính tham gia vào ICS không phải là điều dễ dàng. Lý do rất đơn giản là chúng ta chưa có tiền lệ hình thành một tổ chức công khai và chính thống để đại diện và bênh vực cho người đồng tính nên các bạn rất e dè. Vượt qua sự e dè và vỏ bọc của bản thân và sự bó hẹp của không gian ảo tiếp xúc và chia sẻ cùng giới truyền thông, đó là một quyết định khó khăn mà những “người dũng cảm” đã làm. Một thành viên ICS cho biết: Nhóm ICS, bên cạnh việc tổ chức hoạt động từ thiện trên một số diễn đàn, nhóm còn tiếp xúc và phản hồi cùng báo chí. Nhóm thường xuyên theo dõi những bài báo viết về vấn đề đồng tính, nếu là một bài viết đúng và khách quan, ICS sẽ liên lạc để gửi thư cảm ơn. Trong trường hợp bài viết thiếu khách quan ICS sẽ liên lạc, đề nghị được tiếp xúc và cung cấp thêm thông tin để có thể hiểu nhau hơn. Đó là sự hợp tác trên thiện ý, chứ tuyệt đối không phải là đối đầu.
Tác phẩm "Hạnh phúc" của tác giả Sicko (thuộc diễn đàn bangaivn.net) được trưng bày trong cả hai triển làm Góc (về Les) và Mở (về LGBT)
Theo chia sẻ của các chuyên gia tại Hội thảo, quá trình bình thường hóa vấn đề đồng tính tại những quốc gia phương Tây thường kéo dài hàng chục năm. Ông Jonas Tillberg – giám đốc Chương trình Quốc tế của Hội giáo dục tình dục Thụy Điển (RFSU), cho biết: Tại tòa án Thụy Điển, cho tới nửa đầu thế kỉ XX, vấn đề đồng tính vẫn bị coi là một yếu tố cấu thành tội phạm. Sự sai lệch này chỉ được gỡ bỏ vào năm 1944, trước khi ngành y tế Thụy Điển chính thức thừa nhận đây là vấn đề bẩm sinh và gạt đồng tính ra khỏi danh sách các căn bệnh vào năm 1979, và Tổ chức Y tế Thế giới thực hiện điều này vào năm 1990.
Theo anh Lê Quang Bình, lộ trình để xã hội Việt Nam có cái nhìn công bằng, chia sẻ và thân thiện hơn với những người đồng tính đã được khởi động - dù ai cũng hiểu: đó không thể là câu chuyện chỉ diễn ra trong một sớm một chiều.
Hoàng Nguyên
Nguồn tin: Theo Thể thao và Văn hóa