Hà Nội thời tiền Thăng Long
Hơn hai nghìn năm trước, giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng – “Cái nôi của dân tộc” – khi bên bờ trái, gần nơi sông này chia nước cho sông Thiếp (Ngũ Huyện giang), nổi lên tòa kinh thành Cổ Loa kỳ vĩ thì ở bên bờ phải, có dòng Tô Lịch hòa nước cùng sông Hồng, vẫn chưa thấy dấu hiệu của một vùng tụ cư tập nào. Giữa cảnh quan mênh mang nước trời và um tùm cỏ cây này, chỉ thấy nổi cao một gò đất, mà càng về sau, càng được tôn lên các giá trị nên có tên là núi Nùng với nghĩa là mượt mà, tươi tốt hoặc thêm vào tính thiêng mà gọi là núi Long Đỗ (rốn Rồng).
Gò Cột Cờ hiện còn cao 8m ở phía Nam, dấu tích thành Cổ Loa còn lại đến nay. Ảnh: Đức Hòa
Gò Cột Cờ hiện còn cao 8m ở phía Nam, dấu tích thành Cổ Loa còn lại đến nay. Ảnh: Đức Hòa
Số là, khoảng đầu Công nguyên, ở nơi cao điểm và trung tâm điểm của cả miền đất mà về sau sẽ là Hà Nội, xuất hiện điểm tụ cư đầu tiên của những “người Hà Nội” đầu tiên. Đó là “hương Long Đỗ” – gọi theo tên trái núi đất mà ngôi làng – Hà Nội – gốc này chọn lựa để định vị thế mà sinh tồn; hoặc cũng chính là “làng Tô Lịch” – gọi theo tên của người đứng đầu chốn tụ cư mà nhân cách, ngay từ thời xa xưa ấy đã đủ xứng để chuyển hóa được nhân danh trở thành địa danh (tên làng), cũng như cả thủy danh – tên dòng nước chảy qua làng: Tô Lịch.
Các sách cổ Việt Nam như Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái và Trung Hoa như Giao Châu ký đều đã lưu lại được những sự tích tốt đẹp về cả ngôi làng, cũng như người đứng đầu làng, chỗ ở đầu nguồn sông Tô đó, từ thời gian đầu Công nguyên, vừa gợi ý chờ đợi khoa Khảo cổ học sẽ phát quật được những dấu tích vật thể, chứng minh cho sự kiện trọng đại trong thư tịch: mở đầu cho lịch sử - không chỉ là nghìn năm mà cả hai nghìn năm – của miền đất Hà Nội gốc này.
Đến giữa thế kỷ thứ V, một vùng đô thị sơ khai đã xuất hiện trên miền đất này nên nhà Lưu Tống mới dán lên nơi đây cái danh hiệu Tống Bình! Song nhà Tống không bình nổi đất nước này nên một nửa thế kỷ sau xuất hiện nhà nước Vạn Xuân độc lập của dân Việt vào năm 542, sản phẩm thăng hoa từ xương máu của cuộc khởi nghĩa, chống và kết thúc cuộc "Bắc thuộc lần thứ hai", kể từ khi đạo quân của Mã Viện dìm vào biển máu cuộc khởi nghĩa nghìn thu oanh liệt của Hai Bà Trưng (nổ ra vào mùa xuân năm 40 đầu Công nguyên). Hai (hoặc ba) năm sau cuộc khởi nghĩa năm 542 ấy, thủ lĩnh nghĩa quân Lý Bí xưng danh hiệu và nêu cao danh hiệu: Lý Nam Việt Đế (tức: Lý Nam Đế, theo cách gọi của sử sách về sau) - vào năm 544, đứng đầu nhà nước Vạn Xuân, với tầm nhìn chiến lược nhận ra những giá trị của vùng đất và nước có núi Nùng, sông Tô để tạo dựng một điểm sơ khởi cho quốc gia Vạn Xuân. Ít nhất thì cũng đã có hai công trình kiến thiết quan trọng trên vùng đất đai Hà Nội gốc này được chép vào sử sách từ các năm 544 - 545 ấy. Đó là, trước hết: "Đài Vạn Xuân" (phải chăng ở vùng hồ Vạn Xoan bây giờ thuộc quận Hoàng Mai mới lập ở phía Nam thành phố) để làm nơi triều hội trăm quan" của triều đình Vạn Xuân; "chùa Khai Quốc" (về sau và bây giờ thành chùa Trấn Quốc, trong hồ Tây ) để làm nơi "sinh hoạt văn hóa tinh thân" của người đương thời; và rất đặc biệt là tòa – theo đúng cách gọi của Trần thư, Lương thư trong kho sử cũ Trung Hoa - "Tô Lịch giang khẩu mộc sách" (Lũy [tre] gỗ cửa sông Tô Lịch).
Chùa Trấn Quốc tức Khai Quốc tự thời Lý Nam Đế thế kỷ VI. Ảnh: Võ Văn Tường
Chùa Trấn Quốc tức Khai Quốc tự thời Lý Nam Đế thế kỷ VI. Ảnh: Võ Văn Tường
Chính tòa thành lũy có phân còn sơ sài xây dựng bằng tre, gỗ ở nơi cửa sông Tô Lịch này từ năm 545, đã vừa khai mở truyền thống chọn đất nơi đây để xây thành đắp lũy mà hình thành tiền đề đô thị, lại vừa bắt đầu truyền thống đấu tranh anh hùng bất khuất của đất và người nơi đây bằng sự kiện: Tháng bảy mùa hè năm 545, lão tướng Phạm Tu, từ nơi quê hương bên bờ tây sông Tô Lịch, đã tới nơi cửa sông ở mạn đông này, trong cương vị Người trấn giữ tòa "Tô Lịch giang khẩu mộc sách", đồng thời là Người chỉ huy trận đánh bảo vệ vùng đô thành sơ khởi ở tòa thành lũy đâu tiên trên đất núi Nùng sông Tô này, và đã oanh liệt hy sinh, giữa sự nghiệp kháng chiến của Vạn Xuân non trẻ chống giặc bên ngoài đến tái đô hộ.
Đền thờ Phạm Tu, danh tướng của Lý Nam Đế ở quê ông: xã Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: Tạp chí Thăng Long Hà Nội
Đền thờ Phạm Tu, danh tướng của Lý Nam Đế ở quê ông: xã Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: Tạp chí Thăng Long Hà Nội
Từ đầu thế kỷ thứ VII, chiếm đóng trở lại miền núi Nùng sông Tô, những kẻ đô hộ ngoại bang - nhà Tùy và đặc biệt là nhà Đường (từ năm 618 đến năm 907) - đã đem ý đồ và mục tiêu thống trị của họ mà gọi cả nước Việt là "An Nam đô hộ phủ’. Và, những tòa thành luỹ cũng nối nhau mà tăng lên và to lên trên đất ly sở của “đô hộ phủ” để hết thế lực chiếm đóng này đến quan quân cai trị khác, nối nhau mà dùng làm căn cứ chủ chốt của chúng.
Ít nhất thì, trong vòng thời gian từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ IX, các thế lực đô hộ ngoại bang cũng đã có đến tám lần xây đắp những công trình quân sự, bảo vệ các bộ máy cai trị và bóc lột của chúng đặt trên đất này, vào những năm 618, 767, 791, 803, 808, 824, 858 và 866. Những tòa thành lũy đó - nhất là mấy công trình tạo dựng vào cuối thời gian của "đêm trường Bắc thuộc", có niên đại thế kỷ thứ IX - đều có chung đặc điểm là: ở cùng một vị trí trên bờ nam sông Tô Lịch, để tranh thủ dùng ngay dòng chảy của khúc sông nơi này làm ngoại hào phía bắc thành và thế xay tường lũy thì chọn cách bao rộng hẹp quanh ngọn núi Nùng, dùng ngay nơi "rốn rồng" làm tiêu điểm, cao điểm cho nơi đóng căn cứ đầu não đô hộ.
Khởi đầu từ tòa "Tử thành" do đại tổng quản Khâu Hòa xây năm 618 , với quy mô 900 bộ chu vi (khoảng 1 .650 km) qua các tòa "La Thành" do đô hộ Trương Bá Nghi đắp năm 767, "Đại La Thành" do đô hộ Trương Chu xây năm 808..., quy mô các tòa thành đã rộng lên đến 2.000 bộ chu vi (khoảng 3,700km). Đến thời tiết độ sứ Cao Biền, thì tòa thành "Đại La", đắp năm 866, đã có chu vi lên tới 3.000 bộ (khoảng 5,580 km - theo sự ghi chép trong sách Tư trị thông giám đời Tống... Còn sách Việt sử lược cuối đời Trần thì đã rất công phu mà cấp cho hậu thế những số liệu chi tiết về tòa thành này - mới được khảo cổ học năm 2003 làm phát lộ những di tích đâu tiên, ở độ sâu 3-4 mét dưới lòng đất, khu vực cạnh Hội trường Ba Đình - là: chu vi 1.980 trượng 5 thước (khoảng 6,100 km), cao 2 trượng 6 thước (8,10 mét) chân thành rộng bằng chiều cao, nữ tường (tường nhỏ có trổ các lỗ bắn, đắp thêm trên mặt thành) cao 5 thước 5 tấc (l,50 mét) có 55 địch lâu (vọng canh), 5 môn lâu (lầu dựng trên cổng thành), 6 ủng môn (cửa bao cổng thành), 3 cừ nước, 34 con đường... Bên ngoài vòng tường thành có chu vi khoảng 6,1 km viên võ tướng thiện xạ và quan đô hộ cáo già kiêm thây phù thủy lợi hại Cao Biền còn cho đắp một vòng đê bao, chu vi 2.125 trượng 5 thước (khoảng 6,590km), cao 1 trượng 5 thước (khoảng 5 mét), chân đê rộng 3 trượng (khoảng 10 mét). Trong vòng đê - thành Đại La này, sử gia khuyết danh cuối đời Trần đếm được 5.000 gian nhà.
Vậy là đến thế kỷ thứ IX, Ở trung tâm Hà Nội cổ, đã hình thành một đô thị, với dân số được sử sách nhà Đường chép là 15 vạn (?). Con số này có vẻ hợp với số liệu của sách Đại Việt sử ký toàn thư vè lượng nhà cửa trong thành Đại La của Cao Biền: 400.000 gian (!). Nhưng thật ra, với con số 5.000 gian nhà, dễ tin hơn, chép trong sách Việt sử lược được một vòng tường kép của thành Đại La - gồm thành và đê lồng nhau – có chu vi (tính con số tròn) là 6km bao quanh, lại có khoảng 4.200 quan và lại của đầu não bộ máy thống trị toàn đất "An Nam" sinh sống và làm việc, cộng với cũng khoảng ngần ấy binh lính viễn chinh đồn trú và lao dịch thường xuyên, thì chỉ có thể hình dung ra một số lượng thị dân (gồm cả quan quân và dân chúng) ở đô thị Đại La Thành khi ấy chừng vài vạn người. Dấu tích và chứng tích cuộc sống của những thế hệ cư dân trong Đại La Thành của Hà Nội cổ, thời đó, chính là các nền kiến trúc xếp bằng gạch màu xám, các chân tảng đá, những cột gỗ .. là bộ phận còn sót lại của những tòa nhà, với mặt bằng kiến trúc có tòa chạy dài đến 35 mét; những chiếc giếng nước có thành bằng gạch quây tròn, cứ 4 hàng xếp ngang lại 1 hàng xếp dọc, sâu đến 5,9 mét; những viên gạch có in nổi ba chữ "Giang Tây Quân" là phiên hiệu của đội quân đồn trú làm công việc lao dịch, xây dựng các cửa nhà, dinh thự trong Đại La Thành... cũng mới được tìm thấy trong cuộc khai quật khảo cổ học năm 2003, Ở khu vực gần Hội trường Ba Đình.
Điều quan trọng là những bằng cứ từ hơn nghìn năm trước như thế, đã cho thấy một đặc điểm của đô thị Hà Nội cổ sơ, ở những thế kỷ của thời kỳ tiền Thăng Long này, khác với thời gian về sau, là: quan quân và chúng dân, sống lăn lộn cùng nhau trong một vòng tường thành. Từ đây, có điều kiện cho những hành vi ngang ngược của những kẻ ngoại bang đô hộ - chẳng hạn như viên quan đứng đầu An Nam đô hộ phủ Lưu Diên Hựu, năm 679 - sống trong thành, có hàng ngàn tay chân nô bộc, đã tha hồ cho bộ hạ hoành hành, sách nhiễu, bóc lột dân chúng, cướp gà vịt về để chật đầy cả sân tư thất - như điều đã chép trong sách Tân Đường thư của chính ngay kho sử cũ Trung Hoa. Sách này còn chép thêm rằng Lưu Diên Hựu đã thu gấp đôi mức thuế mà những người dân bị thống trị buộc phải đóng cho là quan quân đô hộ ở Đại La Thành!
Đấy chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc nổi dậy của thủ lĩnh chúng dân người Việt là Lý Tự Tiên, do bức xúc tức nước vỡ bờ, trước những bạo tàn của đô hộ ngoại bang, nhưng cũng chính là để kế tục truyền thống đấu tranh bất khuất lưu truyền từ thời Lý Nam Đế - Phạm Tu trên đất này.
Cừ súy Lý Tự Tiên bị Lưu Diên Hựu sát hại, nhưng chính dư đảng của cuộc khởi nghĩa Lý Tự Tiên - đứng đầu là người anh hùng từ chúng dân tộc Việt: Đinh Kiến - đã diệt trừ Lưu Diên Hựu, trả thù cho thủ lĩnh nghĩa quân, và chiếm giữ Đại La Thành một thời gian.
Đại La Thành từ đây, liên tục rung động. Đến mức - như sử nhà Đường đã chép - vào năm 824, quan đô hộ Lý Nguyên Hỷ (hoặc Lý Nguyên Gia) nhân mùa mưa, nước trong đồng đổ vào sông, khiến thủy chế dòng Tô Lịch, vốn từ sông Cái (sông Hồng) dồn nước vào nay bỗng đổi chiều đổ nước ngược ra sông Cái đã sợ hãi tưởng có điềm triệu đảo ngược thế sự đến nơi,vội tổ chức cầu cúng trên núi Nùng, và di dời cơ quan đô hộ lánh sang mạn bờ bắc sông Tô!
Nhưng thực tế vẫn là ngày càng dồn dập, và ngày càng lớn lao, những cuộc nổi dậy của người Việt có cả binh lính trong quân ngũ đô hộ phụ họa hoặc noi theo nhằm ngay vào nơi đặt đầu não thống trị ngoại bang - chính là tòa thành Đại La - mà giáng đòn tấn công. Tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa của Bố Cái đại vương Phùng Hưng - bùng nổ ở Đường Lâm (Sơn Tây) từ đời Đại Lịch (766 - 780) - đã bao vây, tấn công Đại La Thành dữ dội vào năm 791 đến mức quan đô hộ đầu sỏ ở trong thành là Cao Chính Bình đã hoảng sợ, phát ốm mà chết. Nghĩa quân Bố Cái đại vương làm chủ thành Đại La được một thời gian.
Những năm 801 (đời đô hộ Bùi Thái), 828 (đời đô hộ Hàn Uớc), 843 (đời đô hộ Vũ Hồn), 860 (đời đô hộ Lý Hộ), 880 (đời đô hộ Tăng Cổn)... những cuộc nổi dậy của ngay các lực lượng đồn trú hoặc lao dịch trong thành Đại La - với cả những chỉ huy là người Việt: Vương Quý Nguyên, Đỗ Thư Trừng... - đã khiến bọn quan chức đô hộ phải bỏ thành, chạy dài ! Tiêu biểu nhất là cuộc binh biến năm 819 của thủ lĩnh người Việt - Dương Thanh từng có chức "Nha môn tướng trong Đại La Thành, được giao chỉ huy cả 3.000 quân đi đàn áp đồng bào dân tộc thiểu số "Man Hoàng Động" đã quay giáo, đánh lại và tiêu diệt đầu sỏ đô hộ ngoại bang là Lý Tượng Cổ rồi chiếm thành !
Những cuộc nổi dậy, đấu tranh, binh biến như thế, liên tục trong thế kỷ thứ IX, vừa kế tiếp và nhân bội lên truyền thống anh hùng của miền Đất và Người ở nơi hội tụ núi Nùng sông Tô, vừa tạo tiền đề để sang đến đầu thế kỷ thứ X, lịch sử dân tộc được chứng kiến một sự kiện song trùng kỳ vĩ: vừa giải phóng Đại La thành, vừa kết thúc thời kỳ “Bắc thuộc lần thứ ba”, cũng như là cả nghìn năm những đêm trường và đại họa “Bắc thuộc”!
Bấy giờ là năm 905. Ở bên chính quốc của bọn xâm lược và đô hộ, triều đại nhà Đường bắt đầu hấp hối. Trong Đại La Thành, đầu sỏ thống trị là kẻ “Ngục thượng thư” Độc Cô Tổn, bạo tàn và không ăn cánh với đồng bọn, nên bị biếm chức? Kẻ thù như rắn mất đầu! Chớp thời cơ ấy, và cũng là để lại bài học kinh nghiệm cho nghìn sau ở nơi này - nhờ đã sẵn thời gian nuôi chí lớn và rèn lực lượng - người thủ lĩnh anh hùng và mưu lược Khúc Thừa Dụ ở Cúc Bồ (Hải Dương) đã lập tức kéo quân vào Đại La Thành.
Căn cứ đầu não - Phủ đô hộ An Nam - của ngoại bang xâm lược và thống trị tức thành Đại La từ nay về tay người Việt! Tòa thành đứng đâu đất nước từ nay trở thành trung tâm điều hành việc quản lý non sông của giống nòi Việt, hợp thời, và cả hợp thức. Vì, từ giữa Đại La Thành, Khúc Thừa Dụ - mềm dẻo nhưng kiên quyết - đã buộc được hoàng đế nhà Đường ở cách xa hàng vài vạn dặm, phải chính thức thừa nhận sự thể đã thành hiện thực: người Việt làm chủ đất Việt; và công nhận một chức danh phức hợp cho người đứng đầu đất nước ở Đại La Thành: vừa là “Tiết độ sứ” - quan chức của triều đình chính quốc cai trị miền biên viễn, nhưng cũng lại là “Đồng Bình chương sự” - thủ tướng của cả non sông đã sạch bổng những kẻ ngoại bang đô hộ này!
Đấy là vào một ngày đầu xuân (mồng 7 tháng 2 năm 906) mở đầu cho một kỷ nguyên mới của miền Đại La Thành, cũng như là của cả lịch sử nước Việt, Ở "thế kỷ bản lê" - khép lại thời đại nghìn năm nô lệ trước đồng thời mở ra thời đại nghìn năm độc lập sau.
Trong suốt thế kỷ đầy biến động này, tòa Đại La Thành ở trên miền tụ hội của núi Nùng và sông Tô, cũng chính là trung tâm của những biến động và biến cải lớn lao:
- Từ năm 907, đó là trung tâm ban hành và thực hiện cuộc cải cách hành chính và nhiều mặt kinh tế, xã hội lớn của Khúc Hạo - người kế tục xứng đáng sự nghiệp vẻ vang của Khúc Thừa Dụ.
- Từ năm 930, đó là nơi triều đình Nam Hán ở phương Bắc cử bọn Lý Khắc Chính (hoặc Lương Khắc Trinh), Lý Tiến, đem quân sang tái chiếm, hòng lặp lại chuyện xưa “Bắc thuộc”.
- Từ năm 931, đó là địa bàn của “Trận quyết chiến chiến lược Đại La” do hào trưởng Dương Đình Nghệ đất Dương Xá (Thanh Hóa) làm chủ tướng, chẳng những giết tươi Lương Khắc Trinh, đuổi chạy dài Lý Tiến, mà còn chớp nhoáng đánh tan cả đạo binh tiếp viện của Trằn Bảo, diệt tướng, băm quân, khôi phục Đại La Thành.
- Những năm 937, 938, đó là nơi diễn ra cuộc “đảo chính” do Kiều Công Tiễn, ám hại Dương Đình Nghệ, dẫn tới cuộc “phản đảo chính” do anh hùng dân tộc Ngô Quyền tiến hành, tiêu diệt kẻ phản bội Kiều Công Tiễn để “diệt thù trong” mà “đánh tan giặc ngoài”. Đạo thủy quân Nam Hán, do “thái tử Giao Vương” Lưu Hoàng Tháo cầm đầu bị tiêu diệt ở nơi cửa sông Bạch Đằng.
- Từ năm 971, thoát khỏi “Loạn thập nhị sứ quân” đó là nơi Đinh Tiên Hoàng Đế 3 năm sau khi lên ngôi ở triều đình Hoa Lư, cử đại thần thân tín là Lưu Cơ đến cai quản với chức "Đô hộ phủ sĩ sư’. Để lại chứng tích một thời củng cố, xây dựng Đại La Thành qua các triều đại nhà Đinh, nhà Tiền là những viên gạch bìa màu đỏ, mặt gạch in hàng chữ "Đại Việt quốc quân thành chuyên" - gạch xây quân thành nước Đại Việt - những loại ngói bò nóc gắn tượng uyên ương... cũng vừa được tìm thấy ở gần dưới đáy các hố khai quật khảo cổ ở cạnh Hội trường Ba Đình. Vậy là sau một nghìn năm - nếu tính từ khi bắt đầu xuất hiện “Hương Long Đỗ” của “già làng” Tô Lịch - hoặc là sau năm trăm năm - nếu tính từ khi Nam Việt đế Lý Bí cho đắp dựng tòa “Tô Lịch giang khẩu mộc sách” - miền Đất và Người Hà Nội cổ, có núi Nùng sông Tô, và Đại La Thành Ở trung tâm, đến thời gian cuối thế kỷ thứ X, từ chỗ còn là một “ẩn số của lịch sử”, đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một đô thị trung tâm và hàng đầu của nước Việt, có những truyền thống và giá trị độc đáo quý báu.
Nhờ đấy, vào đúng lúc mở đầu công cuộc xây dựng, phát triển quốc gia và nền văn minh Đại Việt ở đầu thế kỷ thứ XI, tòa đô thị nằm bên bờ phải dòng sông Cái đã một lân nữa, lọt mắt xanh của một vị quân vương có tầm nhìn và sức nghĩ đều rộng lớn, chiến lược, để trở thành kinh đô Thăng Long, trong suốt nghìn năm của lịch sử Hà Nội - thời trung cổ.
Thành tựu của cả một thời tiền - Thăng Long trong lịch sử lâu đời của Hà Nội, đã hội tụ ở điểm kết tinh này.
Theo Lịch sử Thăng Long Hà Nội, Nguyễn Vinh Phúc (cb), NXB Trẻ, TPHCM, 2005, Tr18- 25.