16 tuổi đã biết kiếm tiền, 18 tuổi tiền riêng đủ mua và độ xe - một 9x khiến các đàn anh chơi xe Hà thành lác mắt!Đó là Bùi Mạnh Tú, sinh năm 1990. Hiện tại Tú đã mở công ty cùng kinh doanh với gia đình tại đường Láng, Đống Đa, Hà Nội.
Hẹn gặp Tú qua điện thoại để viết bài về trào lưu độ xe trong giới trẻ Hà thành, tôi không khỏi bất ngờ khi gặp mặt chủ nhân một chiếc Civic độ “máu lửa” - như lời một người bạn nói về Tú.
Tú còn quá trẻ để tôi tin rằng đây là xe của cậu.
Không khách sáo, tôi hỏi luôn: “Xe em?” Tú cười như biết tôi nghĩ gì: “Vâng, xe của riêng em đấy”. Người đi cùng là anh Minh, bác của Tú, như đã nghe câu hỏi này nhiều lần nên cũng không giấu giọng tự hào: “Xe của nó đấy! Tú nó mua bằng tiền riêng. Thằng này giỏi, ‘cày’ tiền từ 16 tuổi cơ đấy.”
Đến đây, tôi thấy đề tài về giới trẻ độ xe đã có lý do nên để vào một dịp khác. Và chụp hình xe qua loa xong, tôi rủ Tú café để tán chuyện xế.
…
Tú mê xe từ nhỏ, lúc bé có tiền ăn quà chỉ dành dụm lấy tiền mua xe đồ chơi. Lớn hơn chút, Tú bắt đầu “nâng cấp” sang xe mô hình. Năm 16 tuổi - ngày vẫn đi học, Tú đã bắt đầu kiếm tiền. Tú cười: “Hồi em đi học, điện thoại di động đắt tiền đã là đồ của hotboy rồi. Em cứ mua bán loanh quanh thế nhưng cũng ‘kiếm’ lắm. Nhưng rồi điện thoại không còn là đẳng cấp của dân chơi nữa nên em chuyển sang mua bán ‘số đẹp’. Lúc này em đã nghĩ tới chuyện mua xe thật chứ không phải xe mô hình nữa!”
Xen lẫn trong câu chuyện về xe của Tú, vẫn có những cuộc điện thoại ngã giá số “tứ quý”, “số gánh”, “lộc phát”…với giá cả ngàn USD. Và Tú cho biết chính vì “làm số” nên cậu có rất nhiều khách VIP. Tú kể, chưa hài lòng với kiểu làm ăn “cò con”, cậu nghĩ cách khai thác đối tượng khách hàng béo bở này. Rồi Tú đã tìm ra cách, làm “cò xe”!
Năm 2007, thị trường xe hơi vẫn còn sôi động do còn “đà” của chứng khoán năm trước, Tú kiếm được “kha khá” từ việc tư vấn, dắt mối mua bán xe cho các khách hàng dùng “số đẹp”. Cuối năm 2007, Tú đã dành đủ tiền để rinh về một chiếc Honda Civic 2.0 AT cáu cạnh.
Mua xe về, Tú không còn nhiều tiền để độ xe nên đành bằng lòng với việc gắn “đồ chơi” tạm bợ: lúc lên vành 18 “cỏ”, khi có tiền lên vành 18 xịn. Ban đầu xe của Tú chỉ gắn bodylips - phần nhựa gắn thêm vào phần quây nhựa sẵn có của xe - khi rủng rỉnh hơn, cậu chơi cả dàn bodykit Muggen.
Và giờ Tú chính thức bước vào đường “nghiện ngập”, Tú kể: “Xe em hiện giờ đánh 3 âm-ly, 2 loa subwoofer và bộ 10 loa JBL Gti 608. Nhưng tiếc là em không mua được bộ kỷ niệm 60 năm của JBL vì cả Việt Nam nghe đâu về có 2 bộ mà một bộ anh bạn em đã nhanh tay vơ mất rồi - bộ đấy giá khoảng 10 ngàn USD”.
Tú cho biết, mua xe được hơn 1 năm nhưng thời gian xe cậu nằm xưởng độ có đến 7 tháng! Ở đây chúng ta có thể đã gặp lại hình ảnh của Mypt “điên” - mua xe để độ, để thỏa mãn niềm đam mê hay nói một cách khác, xe đã không phải là tài sản cần giữ giá với họ.
Về việc từ chối “lên báo” với lý do: “Em ngại lên báo lắm. Em còn trẻ, thích chơi là chơi. Mà chơi bằng tiền em làm ra nhưng khi lên báo mọi người lại bình phẩm ‘nên để tiền mà làm từ thiện’. Thế nên thôi anh ạ.”
Tú nói thêm, “Em còn trẻ nên những việc lớn như từ thiện em chưa dám nói. Nhưng em nghĩ tuổi nào việc ấy thôi. Hồi em đi học nhưng vẫn lo kiếm tiền trong khi bọn bạn em vẫn cỡi ‘xe đạp lông’ diễu Bờ Hồ cả ngày. Và giờ em tự mua xe bằng tiền của mình, em nghĩ đó là điều đáng tự hào nhất chứ không phải chuyện “dân chơi 9x” hay chuyện làm từ thiện!”
Khắc họa một chân dung “dân chơi 9x” hay cổ xúy cho việc ném tiền độ xe không phải mục đích của bài viết, ở đây, tác giả chỉ muốn ghi nhận một điều: lớp trẻ giờ đã nhanh nhạy hơn thế hệ trước rất nhiều và đã biết hưởng thụ cuộc sống; đã xem việc mua xe là phải phục vụ mình - không giống như số đông người Việt chúng ta, xe vẫn là một tài sản và sẵn sàng hy sinh mọi thứ tiện dụng miễn xe giữ giá khi bán; hay nói cách khác: làm nô lệ cho xe!
Khi chia tay, Tú đồng ý “lên báo” và vui vẻ nói theo: “Tới đây, anh chuẩn bị mà xem xe em sơn vàng như Lamborghini nhá!”
Vậy là xe Tú lại mất gin! Thêm phần mất giá nữa rồi!