[Đông Anh] Khởi nghiệp từ vài trăm nghìn đồng trở thành triệu phú

Cường Zen

Thanh Niên Xã
Trong khoảng hơn một thập kỷ trở lại đây, nghề trồng hoa, cây cảnh đã vươn rộng ra các vùng phụ cận ven ngoại thành Hà Nội khiến cho bộ mặt ở nhiều làng quê thay da đổi thịt và đời sống kinh tế giàu lên trông thấy.

Hoa, cây cảnh đã và đang thay thế dần cho các loại lúa, hoa màu cho giá trị kinh tế quá thấp. Trong phong trào làm kinh tế từ hoa, cây cảnh ở các làng hoa ven đô đã xuất hiện khá nhiều gương thanh niên tiên tiến xuất , dám nghĩ dám làm và trở nên giàu có…

Khởi nghiệp từ vài trăm ngàn đồng…

Ở làng hoa Vân Trì (Đông Anh), hầu như ai cũng biết tới anh Lê Văn Tân, năm nay mới 30 tuổi nhưng đã là chủ của một gia tài trị giá hàng mấy trăm triệu đồng. Sự giàu có và nổi tiếng của anh là thành quả của nhiều năm gian nan, vất vả theo nghề trồng hoa, cây cảnh. Với chỉ mấy trăm ngàn đồng tiền vốn liếng, năm 2002 anh Tân đã lặn lội sang Quảng Bá mua giống cây hoa hồng về trồng trên 2 sào ruộng khoán của hợp tác xã.

Vì chưa có kinh nghiệm, hơn một năm đầu hoa hồng thu lượm bán chẳng được là bao. Có lúc anh nghĩ hay là phá bỏ hoa hồng để trồng rau, kẻo dân làng họ cười cho… Thế nhưng, sự thất bại là kinh nghiệm quý báu để thành công và trời không phụ lòng người, khi ngay năm sau, 2 sào hoa hồng của anh lên tốt mơn mởn, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

hoc-lam-giau-300x216.gif



Phấn chấn, Tân trồng tiếp 1 sào hoa cúc giống Nhật Bản và cũng thắng lợi ngay vụ đầu tiên với lợi nhuận lên tới 30 triệu đồng. Lúc này, phong trào trồng hoa bắt đầu được nhân rộng ở Vân Trì và các xã lân cận, anh Tân lại chuyển hướng sang trồng cây cảnh bởi anh nghĩ, khi đời sống kinh tế khá giả, cộng với đà đô thị hóa mạnh mẽ thì cây cảnh sẽ có “đất” sống.

Anh Tân đi săn lùng cây cảnh các loại về trồng, gò thế, tạo dáng chờ được giá là bán. Nghề cây cảnh không cho thu nhập ngay như hoa mà đòi hỏi phải kiên trì, lâu dài. Vì thế, anh không hề tiếc công sức, tiền của đầu tư vào cây cảnh. Theo anh Tân kể, 4 năm đầu lao vào cây cảnh không những chẳng có thu nhập mà còn đầu tư vào gần 200 triệu đồng mua cây giống.

Thế nhưng chỉ trong năm 2006 – 2007, anh đã có nguồn thu từ cây cảnh lên tới 500 triệu đồng: “Cuối năm rồi tôi bán được cây lộc vừng thế rồng bay, trên 100 năm tuổi, giá 180 triệu đồng. Năm trước cũng bán được cây sung cổ hơn 80 triệu…”. Nhìn vườn cây cảnh với đủ chủng loại, nhiều kiểu thế của anh thật thích mắt. Theo tiết lộ của vợ anh Tân, sắp tới đây anh còn lên Sóc Sơn thuê đất để trồng hoa và cây cảnh với quy mô lớn hơn nhiều…

“Vua cây cảnh”

Đông Anh bây giờ có Nam – Bắc Hồng, Kim Chung, Kim Nỗ… cũng là những địa danh được gọi là làng hoa mới bởi diện tích hoa, cây cảnh phát triển đáng kể. Ở Kim Nỗ có một thanh niên cũng nổi danh bằng nghề hoa, cây cảnh từ gần 10 năm nay, đó là anh Trần Minh Chiến- 33 tuổi, người vẫn được mệnh danh là “vua cây cảnh”.

hoc-lam-giau0-300x168.gif


Chia tay quân ngũ sau mấy năm làm nghĩa vụ quân sự, anh Chiến lấy vợ và bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề trồng hoa, cây cảnh. Được cha mẹ hỗ trợ vốn liếng, anh Chiến mạnh dạn làm ăn với mô hình lớn. Ngoài việc trồng hoa hồng, cúc, lay ơn… anh dành khoảng 400 m2 để trồng thử nghiệm hoa ly – một loài hoa đắt tiền, rất khó tính, dường như chỉ hợp với Đà Lạt và các vùng xứ lạnh.

Do học hỏi kinh nghiệm từ người bạn bên làng hoa Tây Tựu cùng với tìm tòi sách vở, nên vụ hoa ly đầu tiên của anh mang lại thành công ngoài dự kiến.

Năm 2008, anh Chiến thay thế dần các loại hoa có thu nhập kinh tế thấp bằng hoa ly và các giống hoa cao sản chất lượng cao. Chỉ tính riêng năm 2009 và 2010, mức lợi nhuận mà anh có từ hoa đã lên tới hơn 400 triệu đồng, một số tiền mà cách đây chục năm anh có mơ cũng chẳng dám nghĩ tới.

Với cây cảnh thì có lẽ cả xã chẳng ai bì nổi về số lượng cũng như chủng loại, bởi anh Chiến là người biết nhìn xa trông rộng, xem thị trường đang mốt cây gì, đắt hàng loại gì. Ngoài các loại sung, si, sanh, lộc vừng… ra, trong vườn cảnh nhà anh luôn có hàng trăm cây dừa cảnh Mã Lai, cau cảnh Sin-ga-po mà thương lái đã đăng kí đặt tiền từ trước cả vài năm.

Mới đây, tháng 10/2012, anh Chiến vừa bán được 150 cây cảnh các loại cho một khu công nghiệp với tổng giá trị lên tới 620 triệu. Người dân trong vùng ngưỡng mộ cung cách làm giàu của anh, không ít người học theo anh và cũng đã thành công ít nhiều. Nếu cứ đà làm ăn thăng tiến như thế này, có lẽ chẳng bao lâu nữa, anh Chiến sẽ bị “gạt” khỏi danh triệu phú mà chuyển sang tỷ phú…

Ra ngõ gặp triệu phú trẻ…

Nếu như ở vùng ven ngoại Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì… số triệu phú trẻ nhờ nghề hoa, cây cảnh chỉ đếm được trên đầu ngón tay thì ở làng hoa Tây Tựu (Từ Liêm), Quảng Bá, Tứ Liên (Tây Hồ)… có rất nhiều người trẻ tuổi biết làm giàu từ hoa, cây cảnh từ cách đây vài thập kỷ.

hoc-lam-giau1-300x240.gif


Tiêu biểu hơn cả trong số các gương mặt biết làm giàu ấy là chị Hà Thị Huệ ở Tứ Liên, năm nay mới 29 tuổi. Diện tích đất canh tác chỉ là khoảng 300 m2, vậy mà năm nào cũng đưa lại cho chị Huệ nguồn thu nhập không dưới 300 triệu đồng từ nghề trồng quất cảnh. Từ nhiều năm nay, vườn quất của chị luôn là điểm đến tìm chọn mua của khách mỗi dịp Tết đến, xuân về, bởi không chỉ đẹp về dáng mà lá, quả đều to, tốt tươi.

Chị kể: “Nhà tôi không bao giờ phải đi bán ở chợ hoa mà khách tới vườn mua hết luôn. Chẳng vậy mà Tết Quý Tỵ năm nay chưa tới, tôi đã có khách tới đặt tiền chấm mua cây hết veo”. Theo lời chị, năm tới sẽ thuê thêm 1 mảnh vườn nhà hàng xóm khoảng 200 m2 để mở rộng trồng quất cảnh. Hi vọng là với kinh nghiệm làm kinh tế giỏi nhiều năm, sự thành công sẽ tiếp tục đến với chị.

Còn rất nhiều những gương người trẻ tuổi biết làm và làm giàu từ hoa, cây cảnh ở các làng hoa của Hà Nội mà trong bài viết nhỏ này không thể kể hết được. Qua đây cũng nói lên rằng, sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm chắc chắn sẽ mang lại thành công dù có lúc thua thiệt, gian nan. Hi vọng từ “nhân tố” là những tấm gương triệu phú nghề hoa, cây cảnh trên, người nông dân nói chung sẽ học tập để thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất của quê mình…


Nguồn: Phapluat​
 
Bên trên