Đặt tên đường, phố mới ở Hà Nội

iLoVeU

Moderator
Ngày 16 - 7 - 2009, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Khoá XIII, Kỳ họp thứ 18 đã thông qua Nghị quyết đặt tên 28 đường, phố mới. Sau đây chúng tôi giới thiệu tới bạn đọc 7 đường, phố: (Tôn Thất Thuyết, Trần Thái Tông, Cầu Mới, Đa Sĩ, Ba La, Phố Xốm, Nguyễn Trực).



Phố Tôn Thất Thuyết

Đoạn từ ngã tư đường Phạm Hùng, bên cạnh toà nhà Toyota Mỹ Đình đến ngã tư bùng binh Khu Đô thị mới Cầu Giấy.

Dài: 800m; rộng: 40m.

Đường đôi, có dải phân cách, vỉa hè rộng, hạ tầng cơ sở tốt. Phía cuối đường là đất các dự án đang thi công, có nhiều trung cư cao tầng, qua Đại học FPT và Trụ sở Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội.

Tôn Thất Thuyết (1835 - 1913): quê ở thôn Phú Mộng, xã Xuân Long (Huế), là người trong Hoàng tộc. Năm 1869, ông được bổ nhiệm chức Án sát Hải Dương, rồi đổi sang làm Tán tương quân vụ.

Ngày 21 - 12 - 1873, ông tham gia đánh trận Cầu Giấy lần thứ nhất ở cửa ngõ phía Tây Hà Nội cùng với quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc, giết được tên Phó tướng Banny (Balny) ở đền Voi Phục. Tháng 6/1883, Tôn Thất Thuyết được sung vào Viện Cơ Mật. Sau khi Tự Đức mất, ông là một trong ba Phụ chính Đại thần.

Đêm mồng 4 rạng sáng ngày mồng 5 - 7 - 1885, ông chủ động tấn công các căn cứ đóng quân của Pháp ở Huế. Cuộc tấn công bị thất bại, ông phải đưa vua Hàm Nghi ra sơn phòng(1) tỉnh Quảng Trị, xuống chiếu Cần Vương, kêu gọi toàn dân kháng chiến. Về sau, ông bị đày ra Thiều Châu, nhưng nhân dân và sĩ phu yêu nước Trung Quốc vẫn yêu mến và giúp đỡ ông. Ông mất năm 1913, thọ 79 tuổi.

Phố Trần Thái Tông

Đoạn từ ngã tư đường Xuân Thuỷ (số nhà 29) đi qua khu chung cư đến ngã tư trong Khu Đô thị mới Cầu Giấy.

Dài: 900m; rộng: 40m.

Đường đôi, có dải phân cách, vỉa hè rộng, hạ tầng cơ sở tốt, đi qua UBND phường Dịch Vọng Hậu, một số trụ sở cơ quan, ngân hàng trong khu chung cư.

Trần Thái Tông (1218 - 1277): Tên là Trần Cảnh - là vị vua đầu tiên của nhà Trần, con Trần Thừa, sinh ra ở Lưu Xá (Hưng Hà - Thái Bình). Năm 1225, được Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi. Trong những năm làm vua, ông cố gắng củng cố chính quyền, đặt chế độ thuế khoá, hình luật, xây dựng hệ thống đê sông trên phạm vi cả nước, tổ chức thi cử, sửa sang Văn Miếu và Quốc học viện, tổ chức lại bộ máy quản lý làng xã, chia địa giới 61 phường ở Thăng Long… Năm 1258, ông chỉ đạo kháng chiến chống quân Nguyên Mông thắng lợi. Năm 1259 ông nhường ngôi cho con, lên làm Thái Thượng hoàng. Ông nghiên cứu giáo lý nhà Phật và soạn tập Khoá hư lực.

Phố Cầu Mới
images43879_PHOCAMOI.JPG

Phố Cầu Mới. Ảnh: Vũ Hưng


Đoạn từ cây xăng số 111 đường Láng đến đầu Cầu Mới

Dài: 400m; rộng: 9m.

Đường rải bê tông Atphan. Một bên là sông Tô Lịch đã được cải tạo. Một bên có dân cư đông đúc. Có đèn chiếu sáng, cơ sở hạ tầng ổn định. (Dân đang gọi là đường Láng mới).

Cầu mới: gọi theo địa danh Cầu Mới của khu vực này.

Đường Láng theo dọc bờ sông Tô Lịch, đến chỗ Cầu Mọc thì đường đi thẳng đến Ngã Tư Sở còn sông Tô Lịch lại lượn về phía Đông Nam (đường số 6 cũ), cắt ngang sông có một chiếc cầu, nhân dân gọi là Cầu Mới để phân biệt với Cầu Mọc. Chỗ Cầu Mới này trước đây một bên đường là đất làng Khương Trung, một bên là đất làng Nhân Mục (kể cả khoảnh đất tam giác mà đoạn đường này đi qua).

Đường Đa Sĩ

Đoạn từ Xí nghiệp Giày Yên Thủy đi qua làng nghề Đa Sĩ đến ngã tư đường quy hoạch đô thị Văn Phú, Yên Phúc (cạch Nghĩa trang liệt sĩ Kiến Hưng), quận Hà Đông.

Dài: 800m; rộng: 10m.

Đường bê tông, hạ tầng cơ sở tương đối tốt, nhà dân đông đúc, đi qua trường Mầm non, trường Tiểu học, Trung học Cơ sở và UBND phường Kiến Hưng.

Đa Sĩ: xưa gọi là Huyền Khuê, nơi hợp lại của 3 làng cổ: làng Ngô, làng Hoa và làng Sẽ, nằm ven sông Nhuệ, là quê hương của nhiều người đỗ đại khoa, trong đó có Trạng nguyên Hoàng Nghĩa Phú, đồng thời còn là làng nghề rèn truyền thống. Làng có cụm di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia gồm: đình, miếu Đa Sĩ thờ ông tổ nghề thuốc: lương y Hoàng Đôn Hòa (cuối thế kỷ XVI), có chùa Lâm Dương Quán là một quán đạo Lão nổi tiếng ở thế kỷ XVI.

Phố Ba La

Đoạn từ ngã 3 Ba La (Km 0 - QL 21B) đi qua Xí nghiệp Nước khoáng và Trung tâm giới thiệu việc làm, Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Xây lắp điện I Ba La đến Km 0 + 800 QL 21B (đầu Công ty Giống cây trồng), quận Hà Đông.

Dài: 800m; rộng: 10,5m.

Đường rải bê tông nhựa Atphan, có đèn chiếu sáng, nhà dân đông đúc. Đường đi qua đất của phường Phú La, Phú Lãm, nhân dân tự đặt tên là phố Ba La (đã ổn định số nhà từ nhiều năm).

Ba La là một địa danh cổ được nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa làng xã Việt Nam cho rằng đó là một trong những làng do tù binh Chiêm Thành bị các vua nhà Lý, nhà Lê đày đến khai lập nên, hiện nay thuộc phường Phú La, quận Hà Đông. Trước đây Ba La còn có tên là Văn La thuộc Văn Khê, Hà Đông (Ba La là tên nôm khó tìm từ Hán Việt thay thế nên Ba thay bằng Văn cho văn vẻ).

Phố Xốm

Đoạn từ Km 0 + 800 QL 21B (đầu Công ty Giống cây trồng) đến Km 1 + 900 (cạnh lối rẽ vào làng Trinh Lương, phường Phú Lương), quận Hà Đông.

Dài: 1.100m; rộng: 17,5m.

Đường rải bê tông nhựa Atphan, có đèn chiếu sáng, nhà dân đông đúc, đi qua trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Thương mại, Trường THPT Trần Hưng Đạo…

Xốm là tên nôm của tổng Xốm, nay là các làng Quảng Lãm, Thượng Mạo, Nhân Trạch, Văn Nội, Động Lãm… thuộc phường Phú Lương và Phú Lãm. Làng làm áo tơi thì gọi là Xốm Áo Tơi; Làng làm nón thì gọi là Xốm Nón… Tuy có nhiều địa danh Xốm nhưng Xốm này tôn trọng Xốm kia nên cứ gọi nhau, tôn nhau làm anh cả và tự nhận mình là em cho khiêm tốn (tục kết chạ có từ lâu đời của người Việt cổ).

Nhân dân trong vùng có câu “Thợ Xốm, cốm Vòng” là do tổng Xốm có nhiều người giỏi thợ mộc, thợ nề, đặc biệt khéo léo trong việc xây dựng nhà cửa dân gian truyền thống.

Đường Nguyễn Trực

Đoạn từ Km 1 + 900 Quốc lộ 21B đến tuyến điện 110KV giao nhau với đường dự kiến quy hoạch vành đai 4, quận Hà Đông.

Dài: 1.000m; rộng: 11,5m.

Đường rải bê tông nhựa Atphan, có đèn chiếu sáng, dân cư ổn định.

Nguyễn Trực (1417 - 1473): tự là Công Dĩnh, hiệu là Trừ Liêu (Hu Liêu), người làng Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai. Thời trẻ ông thông minh và chăm chỉ, 18 tuổi đỗ đầu khoa thi Hương trường Sơn Tây, 26 tuổi đỗ Trạng Nguyên (Khoa thi Hội đầu tiên của Triều Lê năm 1442). Ông sống ở quê vợ, xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai.

Nguyễn Trực làm quan dưới triều Lê Nhân Tông đến chức Thị lang Trung như sảnh. Dưới triều Lê Thánh Tông ông được bổ làm Trung thư lệnh, năm 1473 thăng chức Thừa chỉ Hàn lâm kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám.

Ông viết Trừ Liêu tập, Ngu nhàn tập, nhưng phần nhiều bị thất lạc, chỉ còn lại Văn bia Mục Lăng, một số bài thơ và bài thuốc chữa bệnh. Văn chỉ Thế Trụ ở xã Nghĩa Hưng, huyện Quốc Oai thờ Nguyễn Trực.

(Còn nữa)
Trần Hiền
 
Bên trên