“Đấng cứu thế” HENRY hay kẻ bán linh hồn cho QUỶ?

iLoVeU

Moderator
Trong con người luôn tồn tại 2 bản tính: thiện và ác. Khi ta nghiêng về điều thiện thì sẽ được tôn vinh, còn nghiêng về điều ác sẽ bị lên án. Thierry Henry đã đứng giữa 2 lựa chọn, trở thành đấng cứu thế để cứu rỗi cả nước Pháp hoặc trở thành “con quỷ” tội lỗi (với người Ai Len và những người yêu cái đẹp trong bóng đá). Và anh đã chọn cả hai…

ax8.jpg

“Đấng cứu thế”…

Mang trên cánh tay chiếc băng đội trưởng đội tuyển áo lam, nhiệm vụ của Thierry Henry là chiếc “đầu tầu” đưa tuyển Pháp tới với World Cup 2010. Anh đã làm được chưa? Rõ ràng Henry đã hoàn thành nhiệm vụ nặng nề đó bằng pha kiến tạo bàn thắng quyết định cho đồng đội Williams Gallas ghi bàn vào lưới Ai Len. Khi đó cả nước Pháp đang đứng trước nguy cơ phải ngồi nhà xem World Cup qua ti vi và Henry đã “ra tay” cứu giúp. Chỉ có điều, cách Titi “ra tay” đó lại là hành động phản bóng đá đáng hổ thẹn. Nước Pháp đã “bò” tới World Cup mà phải mang tỳ vết khó rửa sạch.

Nhưng nếu không có cái tay của Henry đưa ra “vớt” bóng ở lại, chưa biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Có lẽ đội tuyển Pháp sẽ đứng trước những chấm đá phạt 11m đầy may rủi mà không phải lúc nào kẻ mạnh cũng là người chiến thắng. Hoặc trong hơn 15 phút còn lại ấy, đội bóng mang quyết tâm cao ngút trời đến từ Ai Len lại làm nên một điều gì đó khủng khiếp giống Bungaria nhỏ bé năm 1994. Thật may nước Pháp có Henry (và cả cái tay của anh) để không mang cái tiếng trở thành đương kim á quân không có mặt trong vòng chung kết, trước đó họ đã là nhà vô địch thế giới bị loại ngay từ vòng bảng mà không thắng trận nào (World Cup 2002).



Pháp tới World Cup trong sự hổ thẹn

Henry là con người, mà con người chẳng thể nào hoàn hảo. Đây cũng không phải là lần đầu tiên anh trở thành kẻ “chơi bẩn”. Ngày còn ở Arsenal, trong trận tiếp đón Chelsea năm 2004, Henry đã ghi bàn từ cú sút phạt kiểu “ăn cắp” vào lưới thủ thành Petr Cech mà sau đó HLV Mourinho đã mỉa mai kiểu bóng đá “ăn cướp” của Henry. Đó không chỉ là số ít lần Titi đứng trước búa rìu dư luận. Nhưng mục đích của cầu thủ nhiều khi là phải đem lại cho đội bóng chiến thắng bất kể hình ảnh của mình có sa xuống vũng lầy của sự giả dối.

Khi con người tuyệt vọng và không biết níu kéo vào đâu, họ phải chọn con đường đầy chông gai, thậm chí mang tiếng “dơ bẩn”. Henry đã đứng trước tình huống như vậy, “cứu rỗi’ đội tuyển của mình hay chơi sòng phẳng cho tới phút cuối, anh đã chọn điều thứ nhất. Trong lúc định mệnh đó, có lẽ Henry đã đưa ra quyết định ngay tức thì, đó là sự sáng suốt khi giúp Pháp có bàn thắng, nhưng quá dại dột khi sau đó là cả một hình ảnh cầu thủ thần tượng với nhiều NHM bỗng sụp đổ. Ai đó sẽ không trách anh khi đặt vào địa vị của người đi giải cứu, nhưng nhiều người cũng sẽ mất đi niềm tin một thứ công bằng (đã quá xa xỉ) trong bóng đá hiện đại.

Henry là “đấng cứu thế” (có lẽ HLV Raymond Domenech nghĩ vậy) cho đội tuyển Pháp, nhưng ai sẽ cứu anh khỏi những lời phỉ báng từ phần còn lại của thế giới?

Hay là “Quỷ”?
ax9.jpg

Maradona từng có “bàn tay của Chúa” vào lưới đội tuyển Anh tại World Cup năm 1986 và ông trơ tráo tuyên bố đó là ý muốn của Chúa. Không biết Chúa có tha thứ cho Maradona khi ông đổ tội lên đấng tối cao, nhưng Henry chẳng cần phải lấy Chúa ra mà biện hộ. Anh khẳng định mình dùng tay chơi bóng và trọng tài không nhìn thấy không phải lỗi của anh. Vậy là giờ Titi cũng lấy bia đỡ đạn cho mình là vị trọng tài Martin Hansson. Cũng phải thôi, bởi nếu tiếng còi của Hansson cất lên, mọi chuyện đã khác. Nhưng Henry hỡi, tại sao tất thảy lại chỉ trích nặng lời với anh, điều đó có nguyên do của nó.


Giá Henry không ăn mừng bàn thắng

Nếu sau pha bóng thô thiển đó, Henry đừng cười tươi như hoa, đừng chạy hùng hục ăn mừng cùng đồng đội như thể Pháp đang vô địch World Cup thì hẳn mọi người sẽ thông cảm cho anh. Nhưng khi con người trong giây phút làm được điều xấu xa mà qua được mắt người khác (chỉ mình trọng tài Hansson) hay được người khác bỏ qua (vẫn trọng tài Hansson) thì tránh sao khỏi phút hân hoan. Nhưng khi cái cảnh Henry vui mừng như vậy lại càng làm thế giới bóng đá phẫn nộ.

Nếu sau trận đấu, Henry đừng có mà khảng khái nói cái kiểu “Ừ, tôi chơi bằng tay. Nhưng bắt hay không là chuyện của trọng tài.” thì mọi chuyện cũng khác. Một lời xin lỗi chăng (và cũng đừng tự nhận mình tốt bụng), một lời thông cảm gửi tới Ai Len để nói với họ rằng đội tuyển Pháp cần tấm vé tới Nam Phi và anh không còn cách nào khác. Giá được như thế, có lẽ hình tượng Henry còn sống. “Đánh người chạy đi chứ ai đánh người chạy lại”, chỉ tiếc Henry đã không như vậy, và giờ anh trở thành kẻ thù của cả một đất nước, có lẽ là mãi mãi.

Và nữa, nếu đội tuyển Pháp chơi thuyết phục, chơi trên cơ đối thủ thì hẳn dùng tiểu xảo để kết thúc trận đấu cũng có thể thông cảm. Thế giới bóng đá ngày ngày cũng có những pha ngã vờ, những kiểu chơi xấu đấy thôi, tất cả chỉ vì mục đích chiến thắng, đó mới là vẻ mặt muôn màu của môn thể thao vua. Nhưng tại sao đất nước Ai Len và cả Chính phủ chỉ chuyên lo chuyện an ninh, kinh tế, chính trị cũng cùng đứng lên đòi một sự công bằng? Chính bởi vì họ nuốt không trôi thất bại này. Thà rằng Ai Len yếu kém và bạc nhược trước “đại gia” của bóng đá thế giới. Nhưng không, Ai Len vẫn chơi tuyệt hay như trong vòng loại đã làm khổ sở nhà ĐKVĐ thế giới Italia. Thất bại đáng tiếc trên sân nhà ở lượt đi càng làm Trapattoni cùng các học trò quyết tâm ở trận lượt về. Ai Len chơi trên cả mong đợi và đã gần đạt tới mục đích đưa đội Pháp tới chấm 11m để thách thức khả năng tâm lý. Nhưng tất cả sụp đổ đầy oan trái, thế mới hiểu tại sao báo chí cả vương quốc Anh đều đồng loạt công kích Henry dù rằng có thể chẳng thay đổi được kết quả trận đấu.
ax10.jpg


Bóng tối của một ngôi sao


Còn nhiều chứ nếu để nói về một câu chuyện, nếu FIFA không có kiểu xếp hạt giống, nếu chủ tịch UEFA Platini (là người Pháp) đừng khăng khăng yếu tố “con người” trong bóng đá, nếu... nhưng tóm lại vẫn là sự thực phũ phàng. Henry đã chọn con đường tồi tệ nhất để chiến thắng và đội Pháp đi tiếp nhưng chẳng thể ngẩng cao đầu. Ai Len đã chiến đấu quả cảm và có thể ngẩng cao đầu (và chờ mong phán quyết của FIFA có tổ chức lại trận đấu giống như trận Uzbekistan và Bahrain năm 2005 tại vòng loại World Cup khu vực Châu Á). Nhưng tất cả sẽ đọng lại trong lịch sử có lẽ không phai nhạt cả trăm năm sau, một con người đã bán linh hồn cho quỷ để chọn thắng “nhục” còn hơn chết “vinh”!
 
Bên trên