8 câu chuyện đáng nhớ của giáo dục 2008

administrator

Administrator
Staff member
Trước thềm năm mới, dù buồn vui của năm cũ đều đã để lại sau lưng nhưng giáo dục năm 2008 với 8 câu chuyện đáng nhớ vẫn là những câu chuyện rất mới khi lịch sử ngành trong hàng chục năm qua chưa được "kể" như thế bao giờ...


1. Công khai tuyển Thứ trưởng

Trong vòng 3 tháng, từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 10/2008, Bộ GD-ĐT liên tục thông báo tuyển Thứ trưởng khiến dư luận xôn xao. Ngày 23/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã ký thông báo về việc giới thiệu ứng cử viên cho chức danh Thứ trưởng Bộ GD-ĐT thay ông Trần Văn Nhung, nghỉ hưu vào tháng 10. Trong khi vị trí của vị tân Thứ trưởng này vẫn còn chưa ngã ngũ sẽ thuộc về ai, ngày 6/10, Bộ GD-ĐT tiếp tục ra một thông báo mới, tuyển thêm Thứ trưởng nữa.
tuyen_120109.jpg

Thực ra, việc tuyển Thứ trưởng, vào năm 2007, Bộ đã áp dụng với trường hợp Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển và Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục Phạm Mạnh Hùng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện lúc đó chưa bài bản như năm nay. Thông báo tuyển chọn khi ấy chỉ gửi cho các địa phương, các trường và đơn vị có khả năng có “nguồn” chứ chưa thông báo lên mạng rộng rãi như năm 2008.



Thông báo tuyển Thứ trưởng đăng công khai trên mạng Bộ GD-ĐT
2. Sự tả xung hữu đột của “tay trái”

Năm 2008, một năm “tả xung hữu đột” của ngành giáo dục vào những lĩnh vực có vẻ như không thuộc về ngành giáo dục. Bộ GD-ĐT đã đứng ra nhận đỡ đầu chăm sóc cho 5 khu di tích lịch sử tiêu biểu.

Như tại khi di tích Ngã ba Đồng Lộc, đích thân người đứng đầu ngành giáo dục đôn đốc. Hiện, Sở GD-ĐT Hà Tĩnh kết hợp với Vụ Giáo dục mầm non đã gánh trách nhiệm trồng và duy trì sự sống cho 8 cây bồ kết, 2 cây bưởi cho nơi đây, Cục Cơ sở vật chất chịu trách nhiệm xây dựng 10 tượng đài… Tính đến tháng 12/2008, đã có gần 3.000 di tích lịch sử văn hoá được các trường học nhận chăm sóc.

3. Thẳng thắn chưa từng thấy…

Ngày 18/12, ngành giáo dục “đột nhiên” đưa ra một bản thuyết minh mang tên “Vấn đề giáo dục Việt Nam có đang bế tắc, ngày càng sa sút và không có lối ra không?” trong đó có phân trần: “Những khó khăn yếu kém trên của giáo dục Việt Nam đã tồn tại từ trên 20 năm. Đối chiếu với các thành tựu của hệ thống giáo dục hơn 20 năm qua và đổi mới của ngành hơn 2 năm gần đây, không thể coi giáo dục Việt Nam đang trong tình trạng “bế tắc”; “ngày càng sa sút, không có lối ra”…

betac1_120109.jpg

Bản thuyết minh cũng đã thẳng thắn chỉ ra 6 yếu kém lớn nhất của ngành. Động thái này được xem như một cách đặt vấn đề thẳng thắn từ trước đến nay chưa từng có trong ngành giáo dục.


Giáo dục Việt Nam không “bế tắc”…
4. “Sáng kiến” đính chính sách giáo khoa

“Sáng kiến” in sách đính chính gửi kèm miễn phí cho sách giáo khoa năm học 2008-2009 xuất phát từ cuộc đánh giá về chương trình và sách giáo khoa diễn ra hồi trung tuần tháng 5/2008. Một cuộc đánh giá được nhìn nhận là có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trong ngành, với sự tham gia của 20.000 trên tổng số 35.000 trường trên toàn quốc.

Kết quả của cuộc đánh giá này là một quyết định chưa từng có của ngành giáo dục: In sách đính chính. Ngày 9/9 lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã chính thức phê duyệt nội dung đính chính sách giáo khoa. Nhưng, không biết sau khi “tính toán” cân đo đong đếm, thêm bớt thế nào, cuối cùng ngành đã ra quyết định không in thành sách nữa mà chỉ in thành… tờ rơi.

Cũng vì chuyện sách rồi không phải là… sách này, Bộ GD-ĐT phải tổ chức họp báo tới 2 lần chỉ trong vòng 2 tuần với cùng một chủ đề là họp báo năm học mới.

5.“Lật tẩy” hệ thống giáo dục ĐH, CĐ

Kiểm điểm khi tổng kết 10 năm (1998- 2008) phát triển hệ thống này, lần đầu tiên Bộ thẳng thắn thừa nhận những sự thật như: trong cuộc “chạy đua” để được mở trường ĐH, đã có không ít trường liều lĩnh “khai man”, không ít trường khác bất chấp cả điều kiện giáo viên thiếu và yếu, cơ sở vật chất tồi tàn để cố tuyển sinh…

Ngoài ra, việc “nhắm mắt” phát triển tràn lan các cơ sở liên kết, “ngoại tình” liên kết đào tạo chỉ mang tính lợi nhuận là chính. Đối với cơ sở liên kết (tức là các cơ sở địa phương) chỉ làm nhiệm vụ tuyển sinh thu học phí, các cơ sở đào tạo chính thì mang tính chất… kiếm việc làm cho cán bộ giảng viên nhằm tăng thu nhập!

Kiên quyết sốc lại chất lượng ĐH, CĐ là một trong những quyết tâm của ngành giáo dục trong năm 2009.

6. Lời kêu gọi mùa đông


aoam_120109.jpg

Áo ấm cho học sinh, giáo viên vùng cao - cuộc vận động đầy chất nhân văn

Ngày 24/9/2008, lần đầu tiên, Bộ GD-ĐT, Công đoàn Giáo dục ra lời kêu gọi các nhà giáo, cán bộ công chức, viên chức và lao động ngành giáo dục, các bậc cha mẹ học sinh, sinh viên, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước trong cả nước “Quyên góp sách vở, đồ dùng học tập, áo ấm giúp học sinh và giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”.

Hưởng ứng lời kêu gọi này, chỉ trong vòng 2 tháng, toàn ngành giáo dục đã vận động được gần 18 tỷ đồng; 1.120.999 quyển sách giáo khoa, sách tham khảo, vở viết; 109.998 đồ dùng học tập; gần 40 tấn quần áo cùng hàng nghìn hiện vật khác gửi cho giáo viên, học sinh vùng cao.

7. Nối mạng toàn hệ thống giáo dục

Cuối năm 2008, có 100% các Sở GD-ĐT, 60% - 70% các trường ĐH, CĐ và trung học được kết nối Internet. Đến năm 2010, toàn bộ hệ thống giáo dục của Việt Nam được phổ cập Internet. Đây là mục tiêu lớn của ngành giáo dục Việt Nam và được Tổng công ty Viễn thông Quân đội Viettel hỗ trợ thực hiện.
8. Đi tìm người Thầy “tuyệt vời”
andanh_070109.jpg


Có rất nhiều người Thầy tuyệt vời đang “ẩn danh” trong ngành giáo dục
Vào cuối năm 2008, Bộ hối hả yêu cầu các Sở GD-ĐT tổ chức giới thiệu và học tập các gương thầy giáo, cô giáo ở tỉnh, thành phố có thành tích xuất sắc, báo cáo kịp thời về Bộ các điển hình tiên tiến để khen thưởng và phổ biến, nhân rộng trên toàn quốc. Từ nay đến 03/02/2009, Bộ sẽ xét khen thưởng các thầy cô giáo có thành tích, sáng kiến nổi bật nhất của các địa phương.

Đã từ rất nhiều năm qua, Bộ đã không có sự nhiệt tình và hối hả trong lĩnh vực này. Hy vọng, với cuộc "tìm kiếm" này, sẽ có thêm những “mỏ vàng” được lộ thiên và đó sẽ là một động lực mang tính quyết định rất lớn cho sự phát triển của nền giáo dục nước nhà.

(Theo Dân trí)
 
Bên trên